Giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình can thiệp hành vi cho trẻ tăng động giảm chú ý. Bởi vậy, nếu sớm trang bị cho mình những chiến lược cụ thể, thích hợp, thầy cô hoàn toàn có thể giúp học sinh của mình trở nên tập trung, bớt nghịch ngợm, phát huy những năng lực tiềm ẩn và “tỏa sáng” hơn! Vậy giáo viên cần làm gì khi trẻ tăng động?
Vai trò của giáo viên trong quá trình dạy trẻ tăng động
Vốn dĩ trẻ tăng động có nhiều sự khác biệt trong hành vi, suy nghĩ, trẻ thường kém tập trung chú ý và khó có thể theo kịp bạn bè đồng trang lứa. Bởi vậy, giáo viên cần quan tâm tới trẻ nhiều hơn, thường xuyên khuyến khích, động viên để trẻ cố gắng hơn trong học tập.
Giáo viên cũng nên đưa ra những bài tập phù hợp với nhận thức và khả năng tập trung của trẻ, đồng thời tìm kiếm những phương pháp giảng dạy trực quan để giúp trẻ dễ dàng tiếp nhận kiến thức. Không chỉ vậy, giáo viên cũng phải là người kết nối trẻ với bạn bè trong lớp, tránh để tình trạng trẻ bị xa lánh, trêu chọc.
Phía phụ huynh cũng cần có sự thông cảm, hỗ trợ giáo viên để cùng nhau tạo nên một môi trường học tập tốt nhất, giúp con nhanh chóng kiểm soát hành vi, cảm xúc tốt hơn.
Giáo viên nên quan tâm tới trẻ tăng động nhiều hơn
Là một giáo viên, bạn nên làm gì khi trẻ tăng động?
Tạo điều kiện để trẻ phát huy năng lực tiềm ẩn
Dù mắc chứng tăng động giảm chú ý nhưng mỗi trẻ sẽ có những tiềm năng riêng, có trẻ có thế mạnh về thể thao, nhưng có trẻ lại thích các môn nghệ thuật, hay cũng có trẻ sẽ thích tìm hiểu về toán học, khoa học, vũ trụ,… Bởi vậy giáo viên cần tìm hiểu những ưu điểm của trẻ và phối hợp cùng gia đình, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm giúp trẻ phát huy những năng lực đó.
Khuyến khích trẻ thể hiện quan điểm cá nhân
Giáo viên nên tổ chức các buổi thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau như “Kể về kỉ niệm vui nhất trong dịp nghỉ hè của con!” hay “Chia sẻ về một việc tốt mà con đã làm để giúp đỡ cha mẹ!”. Những buổi sinh hoạt lớp này sẽ giúp trẻ có thêm cơ hội để thể hiện quan điểm cá nhân, rèn luyện kĩ năng thuyết trình và tự tin hơn về bản thân.
Giáo viên khuyến khích trẻ tăng động phát biểu trong giờ học hay các buổi thảo luận
Vừa học vừa chơi giúp trẻ tiếp thu kiến thức tốt hơn
Những trò chơi tương tác trong lớp, các cuộc thi giữa các nhóm học sinh hay các bài giảng có ví dụ minh họa, hình ảnh trực quan cụ thể, sinh động,… sẽ tạo sự hứng thú, giúp trẻ tăng động tập trung và ghi nhớ tốt hơn. Bởi vậy, giáo viên hãy tích cực sáng tạo hơn trong việc giảng dạy, kết hợp “vừa học vừa chơi” để giúp trẻ dễ dàng tiếp nhận mọi kiến thức.
Giao cho trẻ trọng trách trong lớp học
Khi được giữ một chức vụ trong lớp học như lớp phó học tập, lớp phó lao động, tổ trưởng… trẻ sẽ cảm thấy bản thân được tôn trọng và từ đó nỗ lực, cố gắng làm nhiều điều tốt hơn. Ngoài ra, giáo viên cũng nên cho phép trẻ được thực hiện một số công việc trong giờ học như lau bảng, thu vở bài tập của các bạn,… để trẻ được di chuyển, giải phóng bớt năng lượng dư thừa, từ đó bớt nghịch ngợm và tập trung chú ý hơn.
Giúp trẻ có thêm những người bạn tốt
Giáo viên nên thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các trò chơi tập thể hoặc phát động phong trào “đôi bạn cùng tiến”,… để tạo điều kiện cho trẻ được giao tiếp, kết nối với bạn bè trong lớp.
Phối hợp với gia đình để tạo môi trường học tập tốt nhất cho trẻ
Giáo viên cần trao đổi với cha mẹ để thiết lập kế hoạch dạy học cả ở nhà và ở trường nhằm giúp trẻ nhanh chóng kiểm soát hành vi, cải thiện sự tập trung, ghi nhớ và phát huy tốt nhất mọi năng lực cá nhân.
Giáo viên cần trao đổi với phụ huynh về những việc nên làm khi trẻ tăng động
Có thể bạn quan tâm:
6 điều về học sinh tăng động giảm chú ý mọi giáo viên nên hiểu rõ!
Các phương pháp điều trị tăng động giảm chú ý hiệu quả nhất hiện nay
Nuôi dạy trẻ tăng động không chỉ là vấn đề của phụ huynh mà đó còn là trách nhiệm của giáo viên, nhà trường, nơi trẻ đang theo học. Bởi vậy các thầy cô cần hiểu rõ về chứng bệnh này, hiểu phải nên làm gì khi trẻ tăng động để giúp trẻ trở nên tự tin, phát huy tối đa năng lực tiềm ẩn và tỏa sáng hơn.
Dược sĩ Chu An
Nguồn tham khảo:
https://www.additudemag.com/slideshows/teacher-strategies-to-help-adhd-students/
https://www.additudemag.com/attention-grabbing-teaching-techniques-students-with-adhd/