Tăng động giảm chú ý được ví như “tảng băng trôi”, bởi cho tới nay dường như chúng ta mới chỉ nhìn thấy bề “nổi” của nó và còn vô vàn những điều “bí ẩn” chưa ai có thể hiểu hết. Bài viết này sẽ bật mí một số thông tin hữu ích giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ, từ đó có những hướng can thiệp, điều trị thích hợp.
7 điều phụ huynh chưa biết về trẻ tăng động giảm chú ý
Trẻ thường tự ti và dễ bị tổn thương
Trẻ tăng động giảm chú ý thường không tự tin vào năng lực của bản thân và dễ bị tổn thương bởi những lời đánh giá, nhận xét từ người khác. Bởi vậy, phụ huynh cần xây dựng sự tự tin ở trẻ bằng cách khen ngợi, động viên khi trẻ làm được việc tốt, đồng thời tạo điều kiện để trẻ phát huy những năng lực tiềm ẩn.
Trẻ tăng động giảm chú ý thường thiếu tự tin, dễ bị tổn thương
Tốc độ phát triển chậm hơn bình thường
Bạn có biết rằng, so với bạn bè đồng trang lứa, trẻ tăng động giảm chú ý thường phát triển chậm hơn khoảng 2 – 3 năm. Điều này được thể hiện ở sự chậm trưởng thành trong tính cách, thiếu hụt về kỹ năng xã hội và khả năng kiểm soát cảm xúc kém. Do đó, phụ huynh nên đưa ra những kỳ vọng phù hợp để trẻ có thể thực hiện được, tránh gây áp lực tâm lý cho trẻ.
Kém linh hoạt trong mọi công việc
Trẻ tăng động giảm chú ý gặp nhiều khó khăn trong việc phân tích, giải quyết các vấn đề, đặc biệt là những điều mới. Bởi lẽ, trẻ thường làm việc một cách rập khuôn, ít sáng tạo, linh hoạt, do đó dễ phản ứng sai khi gặp những tình huống mới hoặc những sự việc không nằm trong kế hoạch.
Nảy sinh nhiều cảm xúc cực đoan
Khi bị mắc kẹt trong mớ hỗn độn của những vấn đề không thể giải quyết, trẻ tăng động dễ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, dẫn đến sự thất vọng về bản thân. Những lúc này, thay vì cố gắng kìm nén cảm xúc của trẻ, bạn nên “đào sâu” hơn để tìm ra nguyên nhân, sau đó hướng dẫn con cách để giải quyết mọi tình huống và kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Thiếu hụt nhiều kỹ năng sống
Trẻ tăng động thường gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý thời gian, lập kế hoạch, tổ chức, sắp xếp các công việc hàng ngày. Theo thời gian, một số kĩ năng sẽ được cải thiện, nhưng cũng có nhiều trẻ phải “đấu tranh” với sự thiếu hụt này suốt đời.
Định lượng “sai” về thời gian
Trẻ tăng động giảm chú ý định lượng về thời gian rất kém. Trẻ có thể biết bản thân phải đẩy nhanh tốc độ nhưng lại không nắm rõ mình phải hoàn thành một nhiệm vụ trong bao lâu, bởi vậy trẻ thường chậm trễ trong mọi việc. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể dùng đồng hồ cài đặt thời gian cho mỗi nhiệm vụ và yêu cầu trẻ phải thực hiện theo. Điều này sẽ giúp trẻ có những cảm nhận rõ ràng hơn về thời gian.
Trẻ tăng động giảm chú ý thường định lượng “sai” về thời gian
Mắc kèm nhiều rối loạn thần kinh khác
Nhiều số liệu thống kê cho thấy, có tới 50 – 60% trẻ tăng động giảm chú ý mắc kèm chứng rối loạn cảm xúc, trầm cảm, tự kỉ, rối loạn cư xử hoặc rối loạn hành vi chống đối. Cha mẹ cần hiểu rõ những rối loạn thần kinh mà trẻ mắc phải để có hướng can thiệp, điều trị hiệu quả.
Hướng dẫn cách giáo dục hành vi cho trẻ tăng động giảm chú ý
Giáo dục hành vi cho trẻ tăng động giảm chú ý không hề dễ, muốn đạt được thành công đòi hỏi phụ huynh cần bình tĩnh, kiên trì và nhẫn nại trong ít nhất 1 năm. Dưới đây là một số gợi ý của chuyên gia, các bậc phụ huynh có thể tham khảo để áp dụng cho trẻ:
– Tạo lập thời gian biểu cụ thể: Cha mẹ nên thiết lập một kế hoạch công việc rõ ràng, chi tiết với từng mốc thời gian cụ thể và yêu cầu trẻ thực hiện theo. Điều này sẽ giúp con cải thiện sự tập trung và rèn luyện kĩ năng tổ chức, sắp xếp công việc.
– Củng cố hành vi tốt của trẻ: Hãy khen ngợi kịp thời hoặc tặng thưởng bằng những phần quà nhỏ với những hành vi ứng xử tốt của trẻ. Điều này giúp trẻ thêm tự tin và tiếp tục cố gắng làm nhiều điều tốt hơn nữa.
– Đưa ra hậu quả cho những hành vi xấu: Cha mẹ cần có những hình phạt cụ thể và áp dụng ngay khi thấy trẻ có những hành vi không đúng. Việc làm này giúp trẻ hiểu rõ mình sai ở đâu để tự sửa chữa và làm tốt hơn.
– Phát huy những điểm mạnh của trẻ: Hãy cho trẻ tìm hiểu tất cả các lĩnh vực như âm nhạc, kỹ thuật, hội họa,… để tìm kiếm điểm mạnh của trẻ, đồng thời tạo mọi điều kiện để giúp con phát huy năng lực bản thân.
– Dành thời gian trò chuyện cùng trẻ: Hãy trò chuyện, tâm sự với trẻ nhiều hơn để hiểu rõ những khó khăn trẻ đang gặp phải, từ đó đưa ra lời khuyên hữu ích giúp con giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.
– Khuyến khích con tập thể dục thường xuyên: Cha mẹ nên tạo cơ hội để trẻ được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, từ đó tăng cường sức khỏe và cải thiện tinh thần cho trẻ.
Mặc dù hiểu rõ giáo dục hành vi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị tăng động giảm chú ý ở trẻ, nhưng không phải phụ huynh nào cũng có thể áp dụng đúng và hiệu quả cho con. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ về cách chị Hà (Điện Biên) đã thực hiện giáo dục hành vi cho con trong video sau:
Chị Hà chia sẻ kinh nghiệm trị tăng động giảm chú ý cho con
Nếu không hiểu rõ những đặc tính “ẩn sâu” bên trong trẻ tăng động giảm chú ý, phụ huynh sẽ gặp rất nhiều khó khăn để giúp trẻ cải thiện hành vi, cảm xúc và thành công hơn trong cuộc sống. Hi vọng, bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về trẻ tăng động, từ đó có hướng can thiệp thích hợp.